Hút chì để thải độc cho da – Niềm băn khoăn của nhiều chị em mong muốn có làn da đẹp
Hút chì thải độc da, làm đẹp da xuất hiện một vài năm trở lại đây, từng gây sốt một thời. Phương pháp làm đẹp da này cho đến nay vẫn được rất nhiều spa áp dụng để chào mời, “câu kéo” khách hàng. Điều đáng nói, nhiều chị em vì lời lẽ mật ngọt vẫn tin là sự thật và đốt tiền vào dịch vụ làm đẹp này.
Trên một số nhóm kín chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp, bóc phốt làm đẹp, rất nhiều chị em băn khoăn việc có nên đi hút chì thải độc để làm đẹp da hay không. Theo đó, các chủ spa thường đánh vào tâm lý đi ngoài đường nhiều dễ bị dính bụi bặm, phụ nữ hiện đại cần trang điểm nhiều… kéo theo hệ lụy da dẻ xuống cấp nhanh, dễ bị sạm da do nhiễm độc chì, cần phải thải độc chì thường xuyên để duy trì một làn da trẻ đẹp.
Hút chì để thải độc, làm đẹp da xuất hiện một vài năm trở lại đây, từng gây sốt một thời.
Để giúp khách hàng yên tâm, mỗi lần làm xong, nhiều nhân viên không quên “mục sở thị” hình ảnh những miếng bông lau mặt đen sì mà họ khẳng định là chì trên da. Điều này khiến người sử dụng dịch vụ dường như tin tưởng và yên tâm hơn khi da bị nhiễm chì đang được làm sạch.
Chỉ cần chăm chỉ đi spa làm thải độc chì cho da mỗi tuần 1-2 lần, vậy là công đoạn skincare bỗng nhiên chuyển sang một trang mới hoàn toàn khác, đỡ lỉnh kỉnh bao nhiêu món đồ đắp lên da, thế là cũng đỡ bao nhiêu tiền bạc vào mớ mỹ phẩm đắt đỏ. Những lời mật ngọt ấy khiến nhiều chị em cho đến bây giờ vẫn còn bán tín bán nghi muốn lao đầu vào thử xem hiệu quả thế nào.
Dịch vụ làm đẹp da bằng cách hút chì chỉ là chiêu trò quảng cáo của các spa!
Theo BS Nguyễn Văn Thường (Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương), hiện nay tại nhiều spa rất thịnh hành phương pháp làm đẹp da mang tên hút chì thải độc. Tuy nhiên, cho đến nay, phương pháp làm đẹp da này vẫn không có bằng chứng khoa học, không được công nhận trong khoa học làm đẹp.
Vị chuyên gia khẳng định: “Đây chỉ là chiêu trò câu khách tại nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay chứ thực tế không có chuyện chì được hút đen đầy mặt như nhiều spa đang quảng cáo”.
Xét ở khía cạnh sử dụng mỹ phẩm chứa chì, BS Thường nhận định, việc cho chì vào mỹ phẩm từ hàng trăm năm trước để làm đẹp là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc gây ảnh hưởng đến thần kinh, nội tạng… Nói chung, chì bị cấm trong sản xuất mỹ phẩm chính hãng, nguồn gốc rõ ràng.
Khi sử dụng những sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng thì thường sản phẩm không có chì. Do đó, chỉ cần đảm bảo bạn dùng mỹ phẩm chất lượng tốt thì không cần thiết phải lo lắng làn da nhiễm chì để đi hút chì thải độc da.
Xét ở khía cạnh chì nhiễm trong không khí có khả năng bám đậu, thẩm thấu sâu vào trong da, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) nhận định, chì vô cơ có khả năng hấp thu qua da. Việc thải độc chì là cần thiết. Tuy nhiên, thải độc chì bằng cách hút chì thải độc da thì ông không chắc có thể đào thải được ra ngoài.
Hiện nay tại nhiều spa rất thịnh hành phương pháp làm đẹp da mang tên hút chì thải độc.
Giới chuyên gia nhận định, cơ thể có cơ chế tự đào thải chất độc nên không cần phải quá lo lắng. Tuy vậy, mọi người cần duy trì một số thói quen sống lành mạnh để giảm tối đa nguy cơ nhiễm chì vào da cũng như đi vào cơ thể gây ra nhiều nguy hại.
Chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ khi tô son rồi thì không nên liếm môi, trước khi ăn cần lau son thật sạch hoặc hạn chế tối đa không cho son môi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống… Khi quyết định mua son môi hãy chọn những loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua sản phẩm trôi nổi. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày, không tô son quá đậm và nên sử dụng dung dịch tẩy trang dành cho môi sau khi trở về nhà nghỉ ngơi…
Đối với mỹ phẩm bôi lên da cũng vậy. Chỉ dùng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thay vì đi hút chì thải độc da tại spa, chị em có thể sử dụng một số loại mặt nạ có công dụng làm sạch sâu cho da, tăng cường những thực phẩm có công dụng thải độc chì như sữa, mộc nhĩ đen, rong biển, tỏi, sữa chua, trái cây, rau củ quả giàu vitamin C…