Dấu hiệu trẻ nghiện game và 5 biện pháp phòng ngừa mọi phụ huynh cần biết

Nghiện game là một rối loạn tâm thần đặc trưng, khiến người chơi không thể kiểm soát cảm giác thích thú và dành nhiều thời gian cho game hơn là các hoạt động quan trọng khác. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 70 – 80% số

Nghiện game là một rối loạn tâm thần đặc trưng, khiến người chơi không thể kiểm soát cảm giác thích thú và dành nhiều thời gian cho game hơn là các hoạt động quan trọng khác.

nghien game 2

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 70 – 80% số trẻ em từ 10 – 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 – 15%.

Rối loạn nghiện game (gaming disorder) là một dạng hành vi chơi game có đặc điểm là khả năng kiểm soát trò chơi bị suy giảm, ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác đến mức việc chơi game được ưu tiên hơn các sở thích và hoạt động hàng ngày khác bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Rối loạn nghiện trò chơi trực tuyến (Internet Gaming Disorder) được mô tả trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5-TR) của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA), theo đó nghiện trò chơi trực tuyến phải gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với một số khía cạnh trong cuộc sống con người.

1. Biểu hiện thường gặp của người nghiện game

– Thèm chơi game.

– Những triệu chứng cai khi ngừng chơi (buồn bã, lo lắng, dễ bị kích động).

– Mất nhiều thời gian chơi game để thỏa mãn ham muốn.

– Không thể giảm chơi game, cố gắng bỏ chơi game nhưng không thành công.

– Từ bỏ các hoạt động khác, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây vì chơi game.

– Tiếp tục chơi game bất chấp những vấn đề có thể xảy ra.

– Lừa dối các thành viên trong gia đình hoặc người khác về thời lượng chơi game.

– Chơi game để giảm bớt tâm trạng tiêu cực ví dụ như cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng.

– Nguy cơ hoặc mất việc/mất đi mối quan hệ vì chơi game.

Chẩn đoán rối loạn chơi game trên Internet: yêu cầu phải trải qua từ 5 triệu chứng trở lên trong vòng một năm. Tình trạng này có thể bao gồm việc chơi game trên Internet cùng với người khác hoặc một mình.

2. Một số vấn đề sức khỏe thường gặp khi trẻ bị rối loạn nghiện game

– Các vấn đề về thị lực và cơ xương khớp như: Khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do phải ngồi quá lâu ở một tư thế;

– Đau đầu do tập trung chơi và phải nhìn vào màn hình quá lâu;

– Rối loạn giấc ngủ như thiếu ngủ gây mệt mỏi, dễ cáu gắt;

– Thiếu vận động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh;

– Các vấn đề về tâm lý như: Dễ kích động, trầm cảm, lo âu.

Ảnh hưởng về mặt xã hội:

– Ít tham gia vào hoạt động xã hội, hạn chế giao tiếp với người xung quanh, lâu dần dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè;

– Ảnh hưởng đến kết quả học tập;

– Thậm chí, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác.

3. Các biện pháp phòng ngừa trẻ nghiện game

Nghiện game không khó để phòng tránh, nhưng khi trẻ đã nghiện thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi. Vì vậy, phụ huynh nên có những can thiệp kịp thời cũng như chủ động phòng ngừa việc trẻ nghiện game online:

Chủ động trao đổi với trẻ về hậu quả của nghiện game

 Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game, hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi ngay từ khi trẻ có dấu hiệu nghiện chơi game. Tuy nhiên, không nên quá cấm cản trẻ, vì càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá nhiều hơn, khao khát được chơi game hơn.

Dành nhiều thời gian ở bên cạnh trẻ

Nhiều phụ huynh đôi khi quá bận rộn với công việc hàng ngày dẫn đến lơ là, thiếu quan tâm trẻ khiến cho trẻ dành thời gian vào game, hoặc khi trẻ đã có dấu hiệu nghiện game nhưng phụ huynh không nhận thấy để can thiệp kịp thời. Vì vậy, phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho trẻ để có thể kiểm soát thời gian chơi game và hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ.

Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ

Phụ huynh nên chủ động cùng trẻ tham gia các trò chơi vận động ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như bơi lội, đá bóng, chạy bộ… để hạn chế thời gian chơi game của trẻ và giúp trẻ quên dần cảm giác thích thú khi chơi game.

Khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu

Ngoài việc học ở trường, cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến.

Nhờ sự hỗ trợ điều trị từ các chuyên gia, nhân viên y tế

Phụ huynh có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế để được đánh giá tình trạng và tư vấn cách điều trị phù hợp. Khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay để trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: https://giadinhmoi.vn/dau-hieu-tre-nghien-game-va-5-bien-phap-phong-ngua-moi-phu-huynh-can-biet-d87397.html