Theo BSCKII Phùng Thị Thúy Hằng – Phó trưởng khoa Mắt, BV Bạch Mai, lượng mưa lớn gây ngập lụt, đem theo chất bẩn, độc hại, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây các bệnh truyền nhiễm tại mắt. Trong đó bệnh viêm kết mạc là phổ biến và có thể bùng phát thành dịch sau mưa lũ.
Viêm kết mạc sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch, lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 60 tuổi, bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn.
Những tác nhân gây bệnh viêm kết mạc
– Vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm kết mạc cấp như phế cầu, tụ cầu, liên cầu.
– Virus: Gặp nhiều nhất là Adenovirus, thường lây lan mạnh gây ra các vụ dịch lớn (viêm kết mạc họng hạch) do đặc tính lây qua đường hô hấp và khả năng tồn tại được lâu ở ngoài môi trường.
– Dị ứng: Người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng dẫn đến đỏ nhanh 2 mắt, ngứa nhiều, làm cho người bênh dụi tay lên mắt và đây chính là nguyên nhân gây bội nhiễm.
Triệu chứng bệnh viêm kết mạc
– Sau thời gian ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) 2-3 ngày sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều gỉ, ghèn ở mắt.
– Gỉ, ghèn ở mắt nhiều buổi sáng ngủ dậy làm cho hai mi dính vào nhau nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Gỉ, ghèn cũng làm cho người bệnh thấy nhìn khó, vướng nhưng thị lực thường không giảm.
– Lúc đầu chỉ bị ở một bên mắt, sau vài ngày xuất hiện sang mắt còn lại.
– Khi khám mắt thấy: mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ, phù nề. Nhiều gỉ ghèn (tiết tố) ở bờ mi và bề mặt kết mạc.
– Một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc. Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như viêm giác mạc khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng nhiều tháng.
– Ngoài ra người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm.
– Viêm kết mạc trên trẻ em thường nặng do miễn dịch tại chỗ của trẻ còn yếu, các mô mềm quang mắt của trẻ lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm khi thấy mắt trẻ sưng, đỏ mắt, ra gỉ ghèn nhiều. Điều trị viêm kết mạc trên trẻ em phức tạp hơn, kéo dài hơn người lớn, đòi hỏi công sức của nhân viên y tế lẫn cha mẹ trẻ. Đặc biệt, trẻ em cần đặc biệt lưu ý vì bé không biết nói, quấy khóc khiến cho việc tra nhỏ thuốc và khám mắt khó khăn.
Cách phòng bệnh viêm kết mạc
Bệnh viêm kết mạc lây từ người này sang người khác qua nước mắt và gỉ ghèn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Người bị viêm kết mạc hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây, cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể.
Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác.
Do đó, để phòng tránh bệnh viêm kết mạc cần lưu ý:
– Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến nhũng nơi đông người để tránh lây cho người khác.
– Nên ngừng đeo kính áp tròng vài ngày khi có viêm kết mạc cấp.
– Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.
– Không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.
– Vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ.
Nguồn: https://giadinhmoi.vn/bac-si-chi-cach-phong-ngua-benh-viem-ket-mac-sau-mua-lu-d88967.html