1. Cho rằng mọi vấn đề đều có thể ‘làm lành cuối giường’
Nhiều người tin rằng vợ chồng giận nhau đầu giường, làm lành cuối giường. Mặc dù đây có vẻ là cách tốt để tạm gác lại vấn đề, nhưng sự thân mật không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề.
“Làm lành cuối giường” có thể là một cách thú vị để chấm dứt tranh cãi, nhưng vấn đề vẫn sẽ còn đó và tái diễn vào lần thảo luận tiếp theo, vì hai bạn chưa thực sự tìm ra giải pháp cho nó.
Giao tiếp mới là chìa khóa để biến những bất đồng thành giải pháp.
2. Quan niệm ‘đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’
Trước đây người ta thường quan niệm về vai trò người chồng, người vợ trong gia đình là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Tuy nhiên ngày nay, cả đàn ông và phụ nữ nên có khả năng đảm đương trách nhiệm làm trụ cột trong gia đình.
Bạn có thể lựa chọn làm người nội trợ trong gia đình, điều đó không có gì là không tốt.
Nhưng bạn phải đảm bảo rằng bạn có thể đảm đương, gánh vác tài chính trong trường hợp chồng/vợ bạn mất việc, bệnh tật hay thậm chí là qua đời.
3. Cho rằng hôn nhân là 50/50
Chúng ta đều muốn tìm kiếm một người vợ/chồng bình đẳng. Nhưng nếu bạn kỳ vọng nửa kia luôn phải san sẻ một nửa trách nhiệm trong mọi việc với bạn, thì có thể bạn sẽ phải thất vọng vô cùng.
Điều này không có nghĩa là bạn phải cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được, mà chỉ đơn giản là cuộc sống có nhiều điều không thể đoán trước.
Mối quan hệ của bạn chỉ có thể duy trì một nhịp điệu cân bằng ổn định khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo trong cuộc sống của cả hai, nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong thực tế.
Người vợ hoặc người chồng có thể có vấn đề về sức khỏe, mất việc làm, gặp vấn đề về khả năng sinh sản, hay vấn đề với con cái, thậm chí vấn đề liên quan đến gia đình của một hoặc cả hai bên.
Khi những tình huống này xảy ra, bạn có thể phải gánh vác nhiều hơn phần của vợ/chồng mình.
Vì vậy đừng mong đợi hôn nhân luôn là 50/50 và hãy sẵn sàng giúp đỡ vợ/chồng bạn trong suốt hành trình chung của cả hai.