3 kiểu cha mẹ phúc lớn, sung túc nhàn nhã khi về già, phụ thuộc vào cách dạy con

Những năm gần đây, già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới.

Với một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, các vấn đề về phúc lợi, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già đã trở thành một thách thức trong bối cảnh hiện tại. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ cậy cha, già cậy con, tuy nhiên có những kiểu cha mẹ sung túc nhàn nhã khi về già, không sợ con bất hiếu bởi họ đã chuẩn bị nền tảng giáo dục con ngay từ khi con còn nhỏ.

Một người mẹ 62 tuổi kể rằng chồng bà mất sớm khi con trai được 2 tuổi. Gia cảnh khó khăn, một mình bà phải làm lụng lo nuôi con nhỏ và mẹ chồng già yếu, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Khi con được 6 tuổi, mẹ chồng qua đời, bà nén nước mắt gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi bôn ba ra nước ngoài mưu sinh, với mong muốn kiếm chút vốn liếng để lo cho con.

Nhiều năm trôi qua, con trai bà càng lớn càng trở nên ương bướng nên người mẹ quyết định thu xếp công việc trở về nhà để gần gũi con. Sau nhiều nỗ lực, bà cũng cho con học được một cái nghề và có việc làm đàng hoàng. Sau đó, anh con trai dắt bạn gái về ra mắt và xin được làm đám cưới. Qua cách cư xử, người mẹ có vài phần không ưng ý cô gái này nhưng thấy đôi trẻ quấn quýt nhau quá nên bà đành đồng ý. Bà còn dốc hết tiền dành dụm, mua tặng đôi vợ chồng mới cưới một căn nhà ở thành phố, còn bà ở lại quê nhà hiu quạnh.

Gần đây, bà sẵn việc nên ghé thăm con. Tối đó, trong khi cơm nước, bà có đề cập đến chuyện nếu con dâu có em bé, bà sẽ đến ở để phụ bế bồng. Nghe xong, con dâu tối sầm mặt mày, bỏ vào phòng ngủ. Con trai chạy theo thì bà nghe giọng con dâu lớn tiếng: “Lần sau, anh bảo mẹ anh đừng can thiệp vào chuyện của chúng ta. Đừng tưởng mua cho căn nhà thì thích đến lúc nào là đến, thích nói gì là nói”. Tiếng con trai đáp lại: “Vợ yêu, đừng giận, em hãy nhịn đi. Ngày mai bà ấy về rồi. Anh không để em phải sống chung để chịu đựng bà ấy đâu.”

Như có ai xé nát tâm can, sáng hôm đó, người mẹ bắt chuyến xe sớm nhất để về quê nhà. Trên đường về, nước mắt lưng tròng, đã nhiều lần bà tự hỏi mình làm mẹ đã sai chỗ nào, liệu mình có sai không khi nỗ lực hết mình vì con, khi mọi tiền của dồn hết cho con, để rồi con có thể thốt ra những lời lạnh lùng như vậy.

hình ảnh

Xã hội hiện đại đi liền với cuộc sống con người ngày càng tự do hơn, tư tưởng phóng khoáng hơn, ngay cả bản thân cha mẹ khi về già cũng không muốn phụ thuộc nhiều vào con cái. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những đứa con quên đi trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, quên mất sự đầm ấm khi các thế hệ sống chung trong cùng một mái nhà. Và con cái có hiếu thuận hay không phần lớn đều liên quan đến tính cách và cách cư xử của người lớn.

1. Cha mẹ vững vàng kinh tế khi về già

Tư tưởng dồn hết tiền chăm lo cho con cái để khi về già, con phải nhớ ơn, phải trả hết nợ cho mẹ cha, vô tình khiến những đứa trẻ mới chào đời đã gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn mong con vui vẻ hay sao?

Bản thân các bậc làm cha mẹ, thay vì tằn tiện chi tiêu, gom góp mua nhà, mua xe… cho con thì họ nên để con tự mình bơi ra biển lớn và để dành tiền đó chăm lo cho cuộc sống sau này của mình. Cha mẹ vững vàng về kinh tế sẽ giảm bớt nhiều xích mích, tránh được nhiều tranh chấp trong quá trình sống hòa thuận với con cháu. Đó cũng là cách để cởi bỏ tảng đá đè nặng lên vai con, khiến con hạnh phúc hơn và cha mẹ sung túc nhàn nhã khi về già.

hình ảnh

2. Cha mẹ không can thiệp quá sâu vào cuộc sống con cái

Nhiều cô con dâu không muốn sống chung với cha mẹ chồng vì mong mỏi có cuộc sống riêng sau khi cưới, sống chung lại có nhiều thứ bất tiện, việc gì cũng bị người lớn xét nét. Ai cũng muốn tự mình làm chủ một gia đình, không muốn mang cái ách trên vai.

Dẫu biết rằng cha mẹ luôn lo lắng và mong những điều tốt đẹp nhất đến với con của mình song các bậc phụ huynh nên tôn trọng cuộc sống của con. Việc dẫn đường chỉ lối một cách áp đặt chỉ khiến con cái bức xúc, khó chịu và có suy nghĩ muốn thoát khỏi cha mẹ. Nên nhớ rằng, chỉ những bậc cha mẹ không có yêu cầu khắt khe và không “chỉ tay” vào lối sống của người khác mới có thể sống hòa hợp với gia đình con cháu.

hình ảnh

3. Cha mẹ công bằng

Theo chuyên gia tâm lý, chuyện cha mẹ yêu thích hoặc cảm thấy gần gũi một đứa con hơn những đứa con khác là vô cùng bình thường. Tuy nhiên, nếu phụ huynh phô trương sự yêu thương đó quá mức, cảm xúc của những đứa trẻ còn lại có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Khi lớn lên, các con có xu hướng xây dựng “một gia đình mới” nếu không cảm thấy đủ tình yêu thương ở gia đình hiện tại.

Vì vậy, nếu không muốn con cái lớn lên sống tách biệt, cha mẹ nên dành thời gian để lắng nghe cảm xúc của “những đứa con không giống mình”, cùng nhau rút ngắn khoảng cách. Một môi trường gia đình bình đẳng, thấu hiểu và gần gũi sẽ giúp trẻ định hình tính cách tốt đẹp, khiến con càng gắn bó và yêu thương cha mẹ nhiều hơn.

Cả cuộc đời cha mẹ xoay quanh những đứa con, khi về già thì xoay quanh những đứa cháu. Cha mẹ cứ mãi đặt con cái ở vị trí trung tâm, để rồi một khi vấn đề phát sinh, quan điểm của những thế hệ không giống nhau, sẽ khiến mâu thuẫn gia đình xảy ra thường xuyên hơn.

hình ảnh

Cha mẹ an nhàn khi về già không nên tập trung quá nhiều sức lực cho con cháu. Hãy đi tìm những sở thích đã từ lâu bị bỏ quên, để giữ tâm trạng luôn vui vẻ, sức khỏe dồi dào mới chính là phúc phần đối với con cháu.

Theo Webtretho Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://www.webtretho.com/f/goc-lam-me/3-kieu-cha-me-phuc-lon-sung-tuc-nhan-nha-khi-ve-gia-phu-thuoc-vao-cach-day-con
BÀI LIÊN QUAN
X