Mẹ bầu mất con ở tháng cuối của thai kỳ vì chủ quan: Sút cân, tiểu nhiều nhưng không đi khám

BS Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa điều trị một trường hợp bị tiểu đường thai kỳ khá đáng tiếc. Được biết, sản phụ là chị Đ.T.L. 36 tuổi ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang từng có tiền sử tiểu đường thai

BS Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa điều trị một trường hợp bị tiểu đường thai kỳ khá đáng tiếc.

Được biết, sản phụ là chị Đ.T.L. 36 tuổi ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang từng có tiền sử tiểu đường thai kỳ, mổ đẻ cách đây 5 năm. Đến tháng 7/2019, chị Lan mang thai lần 2, ban đầu sức khoẻ cả mẹ và con đều phát triển tốt.

Tuy nhiên cách đây hơn 1 tháng, chị L. thường xuyên bị đi tiểu nhiều, hay khát nước, bị sút cân không rõ nguyên nhân dù vẫn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Đến tuần thai 38, chị L. không thấy thai đạp mới đến bệnh viện thăm khám.

Chị L. hồi phục sau khi được các bác sĩ cứu chữa – Ảnh: VNN

Khi tiến hành kiểm tra mới phát hiện thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ, trong khi thai phụ có chỉ số đường huyết rất cao lên tới 26 mmol/lít, chỉ số ở người bình thường dao động từ 3,9 – 6,5 mmol/lít. Đây là mức đường huyết nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, là nguyên nhân khiến thai nhi chết lưu.

Sau hơn 1 ngày điều trị, chị L. đẻ thường tự nhiên theo đường âm đạo. Sau đẻ, các bác sĩ đã kiểm soát tử cung an toàn và dùng thuốc tăng co ổn định, sức khoẻ bệnh nhân hồi phục nhanh và được xuất viện sau vài ngày.

Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi sau khi em bé chào đời.

Các mẹ bầu nên khám thai thường xuyên để ngừa những biến chứng – Ảnh: Internet

Căn bệnh khiến sản phụ có nguy cơ đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê…

Ngoài ra bệnh còn làm gia tăng tỷ lệ dị tật cho con. Theo bác sĩ Thăng, thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…

“Nguy hiểm hơn thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào”, bác sĩ sản khoa nhấn mạnh.

Ảnh chụp màn hình VNN

BS Tước khuyến cáo, nếu thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cần có chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp tập luyện để duy trì đường huyết ổn định.

Các thai phụ cần khám thai định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu và nghiệm pháp dung nạp glucose từ tuần thai thứ 24 – 26 thai kỳ.

Những dấu hiệu sớm của tiểu đường thai kỳ thường là mệt mỏi, hay đói, khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút không rõ nguyên nhân, tăng nhiều cân bất thường so với mức bình thường trong thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển cân nặng to hơn so với bình thường…

Thực tế, 70-85% bệnh nhân tiểu đường thai kỳ có thể điều chỉnh mức đường huyết trở về bình thường bằng thay đổi chế độ ăn mà không cần dùng thuốc. Do đó, nếu được chẩn đoán sớm, điều chỉnh sớm, tiểu đường thai kỳ sẽ được kiểm soát.

Theo giadinhmoi

BÀI LIÊN QUAN
X