2 tháng con ốm 12 lần, ho sốt, viêm tai, viêm phổi, rồi Adeno virus: Mẹ thèm 1 ngày bình yên

Con viêm phổi vừa khỏi được mấy ngày lại bắt đầu ho, sổ mũi, đi khám thì viêm tai giữa.

Dùng kháng sinh cả tuần vừa cắt sốt, bớt thuốc men 1 chút lại tiếp tục sốt 38 độ, đi viện bác sĩ bảo nhiễm Adeno virus, nhập viện tiếp nửa tháng.

Suốt 2 tháng nay không biết đã đi khám bao nhiêu lần, uống kháng sinh bao nhiêu lần, bao nhiêu đêm thức trắng rồi. Tính sơ sơ cũng phải trên dưới 12 lần ốm sốt cả 2 đứa.

Mọi người thấy cảnh này quen không? Đó chính là thực trạng nhà tôi 2 tháng nay và có lẽ cũng là nhiều nhà khác. Thật sự thương con và kiệt sức các mẹ ạ.

Giờ chẳng ước mơ giàu có, tiền bạc gì cả, chỉ thèm một ngày cả gia đình được bình yên, khỏe mạnh, con cái không ốm đau, ho sốt gì là mừng rồi.

hình ảnh

Đọc báo thấy nhiều người cùng cảnh như nhà tôi, chị Phùng Thị Lương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ : Chị có con gái mới 3 tuổi nhưng chỉ trong 2 tháng vừa rồi, bé đã phải đi viện tới 3 lần. Đầu tiên là hồi cuối tháng 9, lúc đó con sốt liên tục 3 ngày kèm triệu chứng đau tai. Vì vậy, chị cho con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai giữa cấp tính. Do bé sốt cao không hạ nên phải nhập viện.

Bé vừa điều trị về được 3 hôm lại sốt kèm đau họng, không ăn uống được gì nên chị lại phải đưa con đi viện lần nữa. Lần này, bé được chẩn đoán mắc cúm B. Bé phải nằm viện 1 tuần, bệnh viện thì quá tải nên 3 – 4 bé mới được một giường.

Vì sợ lây chéo nên cứ khi nào con thức, chị lại bế con đi lại ra khu hành lang, ban công cho thoáng. Thế nhưng cũng chẳng ăn thua.

Đến giữa tháng 10, bé lại sốt lần nữa kèm nôn ói và viêm kết mạc mắt. Lần này, bác sĩ chẩn đoán con bị nhiễm Adeno virus và cho theo dõi ngoại trú. Con bị sốt 3 ngày kèm tiêu chảy khiến chị Lương bấn loạn, mệt mỏi vì con bị hết bệnh này tới bệnh kia.

hình ảnh

Cùng chung tình trạng với chị Lương là anh Vũ Thanh Hải (Thanh Xuân, Hà Nội).

Anh Hải cho biết nhà anh có hai bé thì cả 2 đều nhiễm Adeno virus. Bé nhỏ mới 8 tháng đã bị viêm phổi nên anh cho cả hai con nhập viện để chăm. Ban ngày, vợ anh chăm một mình, tối thì anh vào chăm phụ vợ. Năm 2022, cô con gái nhỏ của anh mới được 2 tháng tuổi đã phải nhập viện vì nhiễm hợp bài virus rồi lại lần lượt tới cúm A, cúm B. Bây giờ bé lại nhiễm Adenovirus.

Chị Nguyễn Thị Lan là giáo viên mầm non ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Lớp mầm non 5 tuổi của chị có 24 học sinh thì tuần vừa rồi chỉ có một nửa đi học, còn lại nghỉ ốm.

Tương tự, chị Vũ Thị Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 4 cũng nói: Lớp con chị có sĩ số 51 bé thì có tới 15 bạn nghỉ vì ốm. Ngày nào cô giáo cũng cập nhật học sinh nghỉ ốm để bố mẹ theo dõi sức khỏe của các con. Trẻ ốm do bị cúm, nhiễm Adeno virus, cô vít… liên tục gia tăng trong tháng 10.

PGS. Nguyễn Thị Hoài An (GĐ Bệnh viện Đa khoa An Việt) cho biết: Hiện nay, lượng trẻ nhỏ bị bệnh viêm đường hô hấp tăng vọt. So với các năm trước, số bệnh nhi vào khám tăng lên rõ rệt, hầu hết trẻ đều bị bệnh hô hấp liên quan tới virus.

Hiện tại, có nhiều loại virus gây dịch bệnh như cúm A, cúm B, virus hợp bào đường thở RSV, adeno. Ngoài ra còn có các loại virus thông thường khác nữa.

hình ảnh

TS. BS Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1) cho hay: Hầu hết trẻ vào viện khám đều liên quan tới virus cúm, Adeno virus và virus hợp bào hô hấp. Để phân biệt con có bị Adeno virus hay bị cúm thì cha mẹ có thể theo dõi triệu chứng. Cả hai bệnh đều có dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, nặng thì khó thở và đau tức ngực. Song, nếu nhiễm Adeno thì trẻ sẽ bị viêm kết mạc, mắt đỏ, có thể nổi hạch cổ và bị rối loạn tiêu hóa.

Về dịch tễ, cảm cúm thì ủ bệnh khoảng 2 – 3 ngày. Trong khi đó, Adeno thì lâu hơn.

Theo PGS. An, khi trẻ có triệu chứng viêm đường hô hấp, cha mẹ tốt nhất không nên cho con uống kháng sinh ngay. Bởi, đa số bệnh do virus gây nên nếu uống kháng sinh đều không có tác dụng. Kháng sinh chỉ được dùng cho trường hợp bội nhiễm và được bác sĩ kê đơn.

Trường hợp trẻ ốm nhiều đợt khiến hệ miễn dịch suy yếu thì cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho con bằng cách:

Thứ nhất: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé:

Khi bị ốm, những món cháo thịt, cháo gà, cháo tía tô, súp gà… là lựa chọn thích hợp mà mẹ nên sử dụng. Đồng thời, mẹ cũng nên bổ sung vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm cho trẻ. Các chất này có nhiều trong thịt bò, thịt gà, trứng, các loại rau màu xanh, đỏ…

Đây là các chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ có đủ sức chống lại virus. Chất xơ có trong rau xanh sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giúp bé hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Nhờ vậy sớm khỏi bệnh.

Ngoài ra, vì trẻ thường không muốn ăn nên mẹ cần có sự đa dạng trong bữa ăn. Chẳng hạn, sáng ăn cháo thì trưa cho bé ăn súp. Đặc biệt, mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ dễ tiêu thụ thức ăn hơn, đừng ép con ăn nhiều một lúc.

Trước khi cho bé ăn có thể cho bé uống vài thìa nước. Sau đó, cho bé nằm sấp rồi vỗ nhẹ lên lưng giúp bé đỡ bị ho và không bị nôn khi ăn.

Thứ hai, ăn nhiều hoa quả, bổ sung vitamin để tăng cường miễn dịch cho trẻ

Khi trẻ bị ốm tức là hệ miễn dịch của con yếu đi. Lúc này, các mẹ cần cho trẻ ăn nhiều rau củ quả. Bởi, đây là nhóm thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, rất tốt cho hệ miễn dịch của bé. Chúng có thể bù đường, nước và lượng calo mà cơ thể trẻ cần để phục hồi sức khỏe.

Cha mẹ có thể cho bé ăn nhiều các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi, kiwi, dâu tây, xoài, táo…

Thứ ba, cho trẻ uống đủ nước

Khi trẻ bị ốm sốt thì rất dễ bị mất nước. Lúc này, mẹ có thể cho bé uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả nguyên chất không thêm đường, nước dừa, sinh tố, sữa, oserol… để tránh mất nước và cung cấp chất điện giải. Tuy nhiên, mẹ chỉ cho con uống nước ấm để thông hơi và giảm chảy nước mũi nhé.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho bé nghỉ học ở nhà để tránh lây cho bạn khác. Đồng thời, theo dõi sát sao, điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, sốt thì hạ sốt, ho thì sử dụng siro trị ho.

Với trẻ có bệnh mãn tính thì cần tiếp tục điều trị bệnh mãn tính và phải được theo dõi, giám sát kỹ hơn so với trẻ bình thường.

Nói chung giờ đọc báo thì thấy số trẻ bị bệnh hô hấp nhiều, điều này cũng dễ hiểu thôi vì thời tiết cũng thất thường quá mà. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta cứ tăng cường sức đề kháng cho con bằng cách cho con ăn đủ chất, ăn nhiều bữa. Khi ra ngoài thì nên sử dụng khẩu trang, tránh cho con đến những nơi đông người vì đông thế chả biết đâu mà lần, ai biết được trong số đó có người nào mang bệnh, mang virus không. Vậy nên, cứ cẩn thận là tốt nhất.

Theo WTT Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://www.webtretho.com/f/benh-tre-em/2-thang-con-om-12-lan-ho-sot-viem-tai-viem-phoi-roi-adeno-virus-me-them-1-ngay-binh-yen
BÀI LIÊN QUAN
X